Sau nhiều ngày lo lắng vì con yêu kén ăn và chậm tăng cân, tăng cân không đều, chị Linh Ngọc (Hà Nội) nghĩ ra một phương án đó là làm sữa hạt cho con ăn dặm thay các loại sữa công thức, sữa dê, sữa bò thông thường.
Theo chị Ngọc: “Sữa hạt tốt nhất là dùng cho bé từ 1 tuổi trở lên, còn dưới 1 tuổi thì có thể dùng nhưng số lượng uống rất ít, kiểu làm quen và không cho đường.
Mình coi sữa hạt chỉ như 1 bữa ăn phụ để đa dạng thực phẩm cho bé, chứ không thể bổ sung hay thay thế sữa mẹ. Sữa mẹ cần phải được duy trì cho bé bú tối thiểu là 2 năm đầu và theo quan điểm của mình thì nên duy trì càng lâu càng tốt”.
Chị Linh Ngọc và bé Kent.
Cũng theo chị Ngọc chia sẻ, các loại hạt cực kỳ tốt và bổ dưỡng nhưng bé Kent (con chị Ngọc – PV) kén ăn nên nếu nấu bình thường thì sẽ không ăn nhiều nên chị quyết định kì công hơn một chút để đảm bảo dinh dưỡng mà con lại ngon miệng.
Những ngày đầu bé Kent không quen nên không thích sữa hạt. Tuy nhiên nhờ mẹ kiên trì, chỉ vài ngày sau đó là bé lại rất thích, lên cân đều đều.
Sữa hạt đậu Hà Lanh do chính tay chị Ngọc làm cho bé Kent.
Chị Ngọc cho rằng, cũng chính nhờ uống sữa hạt với lượng vừa đủ, con chị chưa gặp tình trạng còi hay cân nặng vượt chuẩn bao giờ. Tuy nhiên, nếu áp dụng đối với những bé bị thiếu cân, chị Ngọc cho rằng cũng rất hiệu quả.
“Nếu áp dụng để tăng cân cho bé thì mình nghĩ có tác dụng tốt vì bé 3 tuổi – con của bạn mình, rất thích uống sữa hạt không uống sữa công thức hay sữa bò mà chỉ bú mẹ, ăn cơm và bổ sung sữa hạt (bé thích nên uống ngày 400ml). Kết quả là sau 1 tháng tăng đến gần 2kg. Còn bé Kent ngày uống 100ml thì thấy có lên kí mà vài lạng, hoặc ốm cũng không thấy sụt cân”, chị Linh Ngọc hào hứng chia sẻ.
Nhờ uống sữa hạt của mẹ làm, bé Kent tăng cân đều đều, ốm cũng không bị sút cân.
Tuy nhiên, chị Ngọc cũng có một vài lưu ý với những bà mẹ có ý định làm sữa hạt cho con uống đó là tùy vào cơ địa của từng bé có thể dễ dị ứng với một số hạt như đậu phộng hay hạnh nhân thì mẹ cần phải nắm rõ để thay bằng những loại hạt khác. Đặc biệt, đối với những bé dưới 1 tuổi chỉ nên uống sữa hạt theo kiểu tập dần và không thêm đường vì đồ ăn dặm của các bé dưới 1 tuổi không nên nêm nếm bất kì gia vị nào.
Để bảo quản sữa hạt, tốt nhất mọi người nên trữ sữa trong chai thủy tinh, đậy nắp kín và bảo quản ngăn mát tủ lạnh và chỉ dùng tối đa trong 2 ngày. Khi dùng có thể uống lạnh hoặc ủ ấm lên rồi uống không cần đun nấu lại.
“Mình làm sữa hạt cho con và chia sẻ cho mẹ người cùng biết với mong muốn cổ vũ để các mẹ tự tin nuôi con thuận tự nhiên, hạn chế sữa công thức. Sau 1 thời gian mình thật hạnh phúc khi thấy rằng những gì mình làm không chỉ tốt với con mà đã rất có ích đối với các mẹ”, chị Ngọc tâm sự.
Mời các bạn tham khảo một số công thức làm sữa từ hạt của chị Linh Ngọc:
1. Sữa mè đen + hạt óc chó + đường thốt nốt bổ dưỡng thơm ngon
Cách chế biến:
– Mè đen rang chín thơm (hạt mè có tiếng nổ lách tách là được)
– Hạt óc chó rang thơm.
– Cho 2 loại hạt vào ngâm nước ấm 1 lúc. Sau đó cho thêm đường thốt nốt vào xay mịn.
– Xay xong các mẹ đổ hỗn hợp sữa qua rây (cặn thì mẹ có thể ăn luôn cho có chất con ti) và cho sữa vào chai nắp kín cất ngăn mát tủ lạnh dùng trong 1-2 ngày.
2. Sữa yến mạch + hạt chia mát mát thơm thơm
– Yến mạch cho vào tô ngâm với nước đun sôi để nguội (lượng nước gấp 3 lần lượng yến mạch, mẹ cháu đong bằng bát ăn cơm), sau đó phủ khăn xô sạch lên miệng bát, ngâm trong 2-4h.
– Yến mạch sau khi ngâm đủ thời gian gạn nước đi (gạn qua rây) và đổ nước đun sôi để nguội vào rửa lại yến mạch 1-2 lần cho hết nhớt.
– Đổ yến mạch vào thêm nước ấm (tùy các mẹ muốn đặc thì cho ít, muốn sữa loãng loãng hơn thì cho nhiều) mẹ Kent cho nước gấp 2-3 lần lượng yến mạch.
Xay nhuyễn và lọc qua rây (bã các mẹ có thể cất đi làm cái khác: bánh hay gì đó….). Nếu các mẹ làm sữa yến mạch không thì đến công đoạn này là xong.
– Còn trộn hạt chia vào yến mạch thì các mẹ cho hạt chia đã ngâm nở vào sữa yến mạch và xay lại lần nữa.
(Hạt chia chị Ngọc cho ngâm với nước nóng cho hạt nở ra, khoảng 15-20p trước khi xay)
– Cho chút đường thốt nốt vào để tăng thêm phần hấp dẫn ngọt ngọt cho bé uống.
– Đổ sữa vào chai/ bình để ngăn mát dùng trong 1-2 ngày.
3. Sữa gạo lứt + hạt óc chó + đường thốt nốt
Nguyên liệu:
– Gạo lứt đỏ khoanh 1 lạng
– Hạt óc chó khoảng 7-8 hạt
– Đường thốt nốt
– 1l nước lọc
Cách nấu sữa:
– Gạo lứt rửa không vo vì như vậy gạo lứt sẽ không còn độ mát và dễ nóng trong. Đổ gạo vào chảo, rang cho tới khi gạo bắt đầu có mùi thơm, hạt gạo bóng, có vài hạt đã nở.
– Đun sôi 0,5- 0,7lít nước sau đó đổ phần gạo đã rang vào nồi khuấy đều và đun nhỏ lửa đến khi hạt gạo chín nhừ, sau đó mở vung để nguội.
– Trong khi đun gạo lứt, các mẹ tranh thủ chế biến hạt óc chó như sau: Hạt óc chó rang thơm sau đó đem ngâm với 300ml nước đun sôi để ấm trong 10-15p và đem xay thật nhuyễn.
– Sau khi nồi gạo lứt đã nguội còn âm ấm (hoặc nguội hẳn) thì cho vài máy xay thật nhuyễn, nếu đặc quá thù có thể cho thêm nước sôi âm ấm và lọc qua rây lấy nước sữa và bỏ bã.
– Cho nước gạo lứt đã lọc + nước hạt óc chó xay nhuyễn vào nồi đun nhỏ lửa đến khi sôi lăn tăn (chú ý không được để sôi hẳn) và cho vài thìa đường thốt nốt vào khuấy đều.
– Để nồi nước sữa vừa nấu nguội và lọc qua rây, thu được sữa gạo lứt + óc chó.
4. Sữa bí đỏ + hạt sen + macca + đường thốt nốt
Nguyên liệu
– Hạt sen khoảng 20 hạt, bí đỏ khoảng 100gr, 4-5 hạt macca, 300ml nước.
Chế biến
– Hạt sen (khô) ngâm nước khoảng 2-3h cho mềm hơn. Sau đó rửa sạch cho vào nồi cùng 300ml và bật bếp đun. Bí đỏ gọt vỏ, rửa sạch và xắt miếng. Macca tách bỏ vỏ.
– Nồi hạt sen sôi thì cho bí đỏ vào đun cùng, đến khi cả bí đỏ và hạt sen bở mềm. Tắt bếp và cho macca cùng đường thốt nốt vào khuấy đều.
– Chờ nồi hỗn hợp nguội và còn âm ấm, thì cho tất cả vào máy xay xay nhuyễn, lọc hỗn hợp sữa hạt qua rây là xong.
5. Sữa đậu lăng + hạt sen + lạc (đậu phộng) + đường thốt nốt
Nguyên liệu
-30gr đậu lăng, 30gr đậu phộng, chục hạt sen, 200ml ml nước lọc, đường thốt nốt.
Cách làm:
– Đậu lăng và hạt sen ngâm cho tươi lại
– Cho cả đậu lăng và hạt sen vào nồi, đổ chỗ nước lọc đã chuẩn bị vào nấu chín mềm.
– Lạc (đậu phộng) rang chín, bóc vỏ lụa, rồi cho vào nồi đậu lăng hạt sen còn nóng ấm ngâm.
– Nồi đậu nguội ta đem xay nhuyễn cùng đường thốt nốt. Lọc qua rây bỏ bã.